Chủ Nhật, 05/05/2024Mới nhất
Zalo

ĐT Anh: Jack Wilshere thực sự ở đẳng cấp nào?

Thứ Ba 14/10/2014 15:07(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Không còn nghi ngờ gì nữa, Jack Wilshere là cái tên chơi hay nhất của Anh trước Estonia. Thế nhưng, liệu vị trí mỏ neo của anh có vỡ vụn nếu gặp một đối thủ "có số má" hơn?

Nhìn lại chiến thắng 1-0 có phần khá "lặng lẽ" của ĐT Anh, người ta không khỏi suy nghĩ về Jack Wilshere: đúng là anh đã chơi rất hay trong trận đấu đó ở vị trí đáy của viên kim cương nơi hàng tiền vệ. Tuy nhiên, liệu có thể đánh giá được gì nhiều trong bối cảnh đối thủ chỉ là một quốc gia có dân số 1 triệu người, hậu vệ cánh phải của họ là một người lính, thậm chí còn chưa ra sân trận nào trong màu áo của một CLB chính thống; còn những cầu thủ khác có người không phải là dân chuyên? Những tình huống khống chế bóng mềm mại, tự tin của Wilshere; những pha phát động tấn công rất mẫu mực liệu có cần một liều thuốc thử có cấp độ nặng hơn để kiểm chứng?

Wilshere
Wilshere sẽ hoàn hảo nếu trau dồi được thêm kĩ năng phòng ngự từ xa

Đầu tiên, liệu rằng toả sáng trước sự "bình thường đến tầm thường" của ĐT Estonia là đủ để Wilshere tự tin khẳng định tiền vệ phòng ngự sẽ là vị trí sở trường của anh trong màu áo tuyển? Khi nhìn vào mặt tích cực, có thể thấy rằng dù đối thủ có là ai đi nữa, thì việc để tiền vệ sinh năm 1992 chơi thấp nhất trong số các tiền vệ của Tam sư đã giúp bộc lộ những phẩm chất vốn có của anh, và biến Wilshere thành một "của hiếm" trong cách chơi của ĐT Anh từ trước tới nay. 4 năm sau khi ra mắt trong màu áo tuyển, người ta mới lại thấy một Wilshere thanh thoát, nhẹ nhàng và uyển chuyển. Khả năng nhận và chuyền bóng bình tĩnh dưới áp lưc lớn của Wilshere nơi trái tim hàng tiền vệ chính là thứ mà ĐT Anh đang thiếu. Trong những năm qua, có vẻ Tam sư chơi một thứ bóng đá khác so với thế giới, khi tuyến giữa của họ vận hành theo kiểu chuyền trong vội vàng, luân chuyển trong sự thận trọng quá mức, không đột biến dù đã có những ngôi sao trong đội hình. Với Wilshere, điều đó đã là quá khứ.

Cách đây 3 năm, Pep Guardiola đã có một lời mỉa mai đầy cay độc với Wilshere, khi đó là thiên tài của hàng tiền vệ nước Anh, một thần đồng thuộc hàng ngũ sáng giá nhất xứ sở sương mù. Thậm chí, có lúc chính Wilshere còn làm cho Xavi và Iniesta, bộ đôi tiền vệ "tủ" của Pep phải tắt ngấm vào thời điểm ấy. Thế nhưng Pep vẫn cho rằng Wilshere chẳng có lấy một cửa để chen vào lò đào tạo La Masia của Barcelona, bởi ở đây chỉ toàn những cầu thủ ở đẳng cấp cao hơn. Thực tế thì kể cả Pep có nói gì đi nữa, lúc này số 10 của Arsenal vẫn là lựa chọn khả dĩ nhất của Roy Hodgson ở hàng tiền vệ, với khả năng chơi bóng đa dạng với khát khao nâng cao các kĩ năng vốn đã xuất chúng. Có thể thấy việc Wilshere "đổi" từ việc thần tượng Andrea Pirlo sang Xabi Alonso cho thấy điều đó. Nếu như Pirlo giỏi chuyền bóng, gây đột biến, thì Xabi Alonso còn làm được nhiều hơn thế với khả năng tranh chấp nơi tuyến giữa, cộng với trình độ điều tiết lối chơi siêu phàm.

Tới đây thì vấn đề bắt đầu nảy sinh. Việc xếp Wilshere ở đáy viên kim cương trong sơ đồ 4 tiền vệ có thể làm hao phí khả năng tận dụng sơ hở của đối phương, tạo ra những sự đột biến khi cần và những đường chọc khe tầm ngắn "đẹp như phim" của tiền vệ sinh năm 1992. Thực ra có thể nói Wilshere là bậc thầy trong việc đưa ra những đường chuyền quyết định hoặc các pha đột phá bất ngờ (bàn thắng vào lưới Man City ở Premier League là minh chứng quá rõ ràng cho điều này). Bản thân sơ đồ kim cương cũng không hẳn là đã quá thuyết phục. Tại Tallinn, 8 tiền vệ của 2 bên chia nhau một khoảnh sân bé tẹo ở tuyến giữa, có thể thấy rõ tầm hoạt động của các tiền vệ nửa cánh trong thành phần tuyển Anh không còn được thoải mái như trước San Marino, qua đó bản thân Wilshere cũng phải điều chỉnh cách đá đi ít nhiều. Cả Jordan Henderson và Fabian Delph đều đôi lúc trở thành những tiền vệ phòng ngự lệch biên để trợ giúp Jack Wilshere.

Wilshere rất mỏng cơm, Henderson lại không chuyên về phòng ngự. Điều này đồng nghĩa với việc nếu như Anh vấp phải đối thủ nào đá ban bật ngắn (giống tiqui-taka nhưng trực diện hơn) ở 1/3 sân cuối cùng, chắc chắn họ sẽ gặp vấn đề lớn với khả năng phòng ngự từ xa rất hạn chế. Thêm vào đó, việc cả Gary Cahill và Phil Jagielka đều còn thiếu một chút chất quái và đẳng cấp giống Terry - Ferdinand ngày xưa, việc Tam sư bị đánh vỗ mặt là điều hoàn toàn khả thi. Ở điểm này, đáng tiếc Wilshere lại chưa đủ đẳng cấp. Một tiền vệ phòng ngự cần cáng đáng được tình hình khi bị đánh ngay trung lộ, nhưng số 10 của Arsenal không phải mẫu cầu thủ đánh chặn dùng sức như vậy.

Thế nên, dù Wilshere đang sáng rực rỡ với vai trò là một tiền vệ tổ chức "siêu lùi", nhưng khi gặp những đối thủ có hàng công mạnh, khối kim cương của Hodgson sẽ vỡ vụn. Chẳng còn cách nào khác cho ông là phải tìm ngay một mẫu cầu thủ như Gareth Barry ngày nào, và quay trở về 4-4-2 mỗi khi gặp những đội bóng có số má hơn bởi khi đó 4-1-2-1-2 sẽ là sơ đồ mang đến án tử cho Tam sư với khả năng phòng ngự vô cùng mỏng.

Thành Nguyễn


 

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X