Thứ Bảy, 20/04/2024Mới nhất
Zalo

Nếu một ngày La Liga không còn Barca…

Thứ Hai 10/11/2014 16:31(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Hôm qua các cử tri ở xứ Catalonia đi biểu quyết về việc tách ra khỏi Tây Ban Nha. Nếu như điều này trở thành sự thật, Barcelona sẽ không được thi đấu ở La Liga nữa, và bóng đá xứ sở bò tót sẽ chứng kiến những sự thay đổi lớn.

Đầu tháng 4 vừa rồi, khi mọi ánh mắt đổ dồn vào cuộc ly khai ở Crimea khi tình hình ở đây căng thẳng lên tới đỉnh điểm, một cuộc cách mạng khác cũng đã bắt đầu manh nha, đó là cuộc biểu tình đòi tách ra khỏi Tây Ban Nha của những người dân xứ Catalonia. Tới cuối tháng 9, một vụ việc tương tự diễn ra khi người dân Scotland đi bỏ phiếu cho nền độc lập của mình và lúc này sự quyết tâm của người dân xứ Catalonia đã lên rất cao. Cuối cùng, người đứng đầu xứ này, ông Artur Mas đã tuyên bố người dân ở vùng đất đông bắc Tây Ban Nha sẽ quyết định vận mệnh của mình trong cuộc bỏ phiếu đòi ly khai vào ngày hôm qua, 9/11 bất chấp việc bị Quốc hội Tây Ban Nha phản đối.

 

Kết quả đã cho thấy rõ sự chênh lệch khi 80% người dân ủng hộ việc Catalonia trở thành một quốc gia độc lập riêng và đây sẽ là một quân bài quan trọng để những người đứng đầu vùng đất này đàm phán với chính phủ Tây Ban Nha trong quá trình ly khai. Và nếu như điều này trở thành sự thật thì có nghĩa là Barcelona cũng chính thức không được thi đấu ở La Liga những mùa giải năm sau nữa. Ban lãnh đạo đội bóng đã thể hiện sự đồng nhất từ trên xuống dưới với việc ủng hộ cuộc đấu tranh của người dân bản xứ. Chủ tịch đội bóng Joseph Bartomeu gửi thư ủng hộ cho Chủ tịch hội đồng Catalonia, Joan Rigol, cựu HLV đội bóng Pep Guardiola lặn lội từ Munich về để bỏ phiếu còn Gerard Pique công khai đứng về phía người dân quê hương bất chấp ánh nhìn kỳ thị từ các đồng đội ở ĐTQG.

Dường như toàn bộ CLB Barcelona đang sẵn sàng để chơi bóng ở Ligue I mà không hề vương vấn đến những trận đấu trên đất Tây Ban Nha nữa. Nhưng phần còn lại của La Liga và người hâm mộ có lẽ không nghĩ thế. Không có Barca có nghĩa là sẽ không còn Siêu kinh điển nữa, người hâm mộ sẽ chẳng thể nào chứng kiến trận cầu với sự so kè từ trong ra ngoài sân cỏ của hai đối thủ truyền kiếp Real và Barca. El Clasico còn hơn cả một trận đấu, nó là đại diện cho sự tương phản trong xã hội Tây Ban Nha. Real Madrid đại diện cho tầng lớp thượng lưu còn Barcelona là hiện thân của những người lao động. Sự xung đột về sắc tộc sau những cuộc hợp nhất đẫm máu ở xứ Catalonia và xứ Basque đã phần nào làm nên sự đa dạng trong văn hoá của người Tây Ban Nha. Họ có thể ghét nhau một trời một vực, nhưng cũng bổ sung cho nhau để hình thành nên bức tranh tổng hoà ở xứ sở bò tót. Trận El Clasico ấy cũng là biểu tượng cho niềm tự hào của người Tây Ban Nha chẳng kém gì điệu nhảy tango hay những trận đấu bò của các hiệp sĩ cả. Ước tính có tới 500 triệu người theo dõi 2 trận Siêu kinh điển năm ngoái trong khi con số này với những trận cầu bình thường chỉ dừng lại ở mức 2,2 triệu lượt người xem.

 

Thêm vào đó, những lợi ích khổng lồ từ bản quyền truyền hình cũng sẽ không cánh mà bay theo sự ra đi của Barcelona. Các đội bóng nhỏ luôn phàn nàn về việc số tiền mà Real và Barca nhận được sau mỗi mùa là quá lớn so với phần còn lại, mà một phần không nhỏ trong số đó thu về từ trận El Clasico. Mùa giải năm ngoái Real và Barca chia nhau nhận 140 triệu euro mỗi đội trong tổng số 560 triệu euro tiền bản quyền truyền hình, gấp 12 lần so với Rayo Vallecano, đội được hưởng ít nhất, một con số quá chênh lệch khiến chủ tịch những đội bóng thấp cổ bé họng đòi chia chác lại. Thế nhưng chắc chắn những ông chủ ấy cũng chẳng vui vẻ gì khi chứng kiến Barca ra đi. Gã khổng lồ xứ Catalonia vắng bóng ở La Liga cũng có nghĩa là bản quyền truyền hình ở đây sẽ hụt đi một khoản lớn và ngân quỹ của các đội bóng nhỏ đã ít nay còn ít hơn, La Liga đìu hiu giống như nền kinh tế đang khủng hoảng tại Tây Ban Nha vậy.

Và cuối cùng, với các cầu thủ Barcelona, việc chuyển sang thi đấu tại Ligue I có thể sẽ làm giảm đáng kể trình độ của các cầu thủ nói riêng và của cả đội bóng nói chung. Ở Tây Ban Nha, Barca luôn có Real để đối đầu và điều đó thúc giục các cầu thủ nỗ lực với hơn 100% sức lực của mình. Đó đã trở thành động lực cho CLB đi lên từ đáy của những cuộc khủng hoảng giao thời, tiêu biểu như vào những năm đầu của thế kỷ 21. Giờ đây khi chuyển sang Pháp thi đấu, động lực ấy chắc chắn sẽ không còn nữa và Barca có thể sẽ tự lụn bại dần theo năm tháng, Paris Saint Germain hay cả Monaco có thể là những đội bóng lắm tiền nhiều của nhưng so về đẳng cấp họ còn lâu mới có thể sánh ngang với Barca và Real.

HLV Mourinho đã từng phá lệ khi đích thân phát biểu rằng ông cảm thấy nhớ những cuộc đối đầu với Pep Guardiola và gửi tới cựu HLV của Barca một cái ôm chân tình nhất. “Giáo sư” Wenger cũng đã hơn một lần nhắc về HLV Ferguson với những cuộc đối đầu trước khi “Ông già gân” nghỉ hưu. Những con người ấy là những mảng đối lập khi ở trên sân nhưng lại là những màu sắc tương phản bổ sung cho nhau trong cuộc sống. Real với Barca nói riêng và La Liga với Barca nói chung cũng vậy, và nếu như có một ngày người ta không còn thấy những bóng áo đỏ-xanh tung hoành trên các sân cỏ Tây Ban Nha nữa, điều ấy sẽ buồn biết bao. Chẳng trách người dân xứ Catalonia được khi họ đang khao khát những điều tốt đẹp nhất với cuộc sống của mình, nhưng phần còn lại của La Liga hẳn sẽ rất nhớ bóng dáng của những đội bóng vùng đông bắc ấy.

Thế Hưng

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X