Thứ Năm, 02/05/2024Mới nhất
Zalo

Chuyện U19 Việt Nam: Lúc nào cũng... "ngẩng cao đầu"

Thứ Ba 14/10/2014 08:35(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Trong số những người yêu bóng đá Việt Nam, chắc hẳn cũng đã có những cá nhân chán ngấy câu nói "Chúng ta ngẩng cao đầu... rời giải".

Chiều qua, hàng triệu con tim vẫn hướng về trận đấu của ĐT U19 Việt Nam với ĐT U19 Trung Quốc, dù chúng ta đã chính thức bị loại khỏi giải Vô địch U19 châu Á sớm trước một vòng. Người dân vẫn hướng về trận đấu, vì muốn chứng kiến những Công Phượng, Văn Toàn, Văn Long hay Hồng Duy toả sáng một lần tại giải lần này, chứ không muốn chứng kiến các em về nước trong cảnh tràn trề thất vọng. Người ta có một niềm tin gì đó vào các em, tin rằng khi thi đấu với người anh em láng giềng Trung Quốc, chúng ta sẽ bung hết sức để thêm một lần đi tìm cơ hội chứng tỏ rằng Việt Nam đã đạt tới tầm châu lục như những gì thầy Giôm đã chia sẻ trước khi giải khởi tranh.

Các em đã làm hết sức, và dẫn trước tới tận những phút thi đấu chính thức cuối cùng, để rồi chia điểm trong sự tiếc nuối tràn trề của người hâm mộ. Những mảng miếng phối hợp đã rất thanh thoát, Công Phượng có 3 tình huống chuyền bóng vô cùng đẳng cấp, lần lượt đặt Văn Toàn, Văn Long và Thanh Tùng vào những cơ hội tuyệt vời. Ở khu vực tuyến giữa, trong một trận đấu Xuân Trường chơi tốt, thì Tuấn Anh đá xuất sắc với vai trò người điều tiết nhịp độ trận đấu và phân phối bóng. Số 8 giờ đây đã không còn là một người hùng thầm lặng, mà đã là ngôi sao sáng nhất đội tuyển, sánh ngang với Công Phượng. Một người nhạc trưởng rũ bỏ đi sự hi sinh cho người khác để mà ích kỉ hơn, mà tranh công về mình hơn bộc lộ được khát khao thể hiện và suýt chút nữa tạo được đột biến. Các cá nhân còn lại như Văn Sơn, Minh Long, Xuân Hưng hay Văn Long đều chơi không đến nỗi nào. 

Khâu dứt điểm vẫn là điểm yếu của các học trò HLV Graechen
Khâu dứt điểm vẫn là điểm yếu của các học trò HLV Graechen

Nhưng...

Đúng là chuyện gì rồi cũng sẽ có chữ "nhưng". Các em U19 lại một lần nữa ngẩng cao đầu rời giải. Trong năm nay, U19 nổi lên như thế hệ ưu tú đầu tiên của học viên HAGL Arsenal JMG, và cũng nổi lên để tiếp nối truyền thống… “toàn bạc” của các đàn anh ngày nào. Đầu tiên chúng ta thua Myanmar, rồi phơi áo trước Nhật Bản trong các trận chung kết, và lần này là bị loại từ vòng bảng của giải đấu mà Thái Lan đủ khả năng tiến xa. Những gì các em để lại là một ấn tượng tốt với kĩ thuật cơ bản được đào tạo bài bản, là tinh thần nhiệt huyết chiến đấu, là một thế hệ đồng đều ưu tú hiếm hoi của bóng đá Việt trong 10 năm trở lại đây (sau thời Văn Quyến, Quốc Vượng…). Các em thể hiện lối chơi đẹp mắt trên sân bóng, biết cách tạo cơ hội…
 
Nhưng biết cách tạo cơ hội mà không biết tận dụng liệu có phải là đáng để khen ngợi? Đội hình của thầy Giôm rất thiếu một số 9 điển hình, có khả năng tì đè, có thể hình thể lực và khả năng dứt điểm như Mạc Hồng Quân ở tuyển U23. Đành rằng thể hình thể lực chưa bao giờ là điểm mạnh của ta, nhưng hẳn nhiều người sẽ bất ngờ khi Văn Long là một tiền đạo ở CLB. Em chơi cánh trên tuyển xem ra phù hợp hơn rất nhiều so với vai trò của một số 9: trước đội hình phòng ngự cao to của đối phương, Long hơi bị khớp, qua đó đỡ bước 1 không chuẩn xác nhiều lần, mất bóng vì bị đẩy vai hoặc không qua người nổi. Văn Toàn cướp bóng tốt, lăn xả xông xáo, nhưng em lại quá yếu thế trong những tình huống tranh chấp tay đôi ở tầm trực diện. Đôi khi Toàn qua người tốt bằng cách dùng tốc độ, nhưng ngay lập tức khi bị vây ráp, nhiều khả năng em sẽ mất bóng.
 
Công Phượng chuyền hay, nhưng em vẫn cần phải học thêm về cách xử lý bóng: có những tình huống mà em chuyền sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc tiếp tục đi bóng. Thêm một điều nữa: khi đội nhà đang dẫn 1-0, Phượng có tình huống băng xuống tốt để đối mặt với thủ môn đối phương, nhưng thay vì tung cú sút cháy lưới thì em lại chọn cách chuyền sang quá cầu toàn cho đồng đội, dẫn tới thời cơ bị trôi qua vì trung vệ Trung Quốc băng về kịp thời. Không thể nói Phượng đá dở, em chơi cực kì xuất sắc (nếu không thì đã không có chuyện các CLB của Nhật Bản và Hàn Quốc đặt vấn đề chuyển nhượng), nhưng vẫn còn những vết gợn cuối cùng để trở nên hoàn hảo.

U19 VN thi đấu ngang ngửa với U19 Nhật Bản
U19 VN cần nhìn nhận việc thua U19 Nhật Bản là thất bại, chứ không phải điều tất yếu
 
Ở cánh trái, Hồng Duy chơi tấn công rất tốt và có nền tảng thể lực mạnh, nhưng em thường xuyên để mất vị trí, buông lỏng tiền vệ đối phương đâm lên từ cánh. Cũng chính vì lỗi này mà Duy đã để cho U19 Trung Quốc có tới 3 cơ hội nguy hiểm hãm thành. Nhìn cách chơi của Hồng Duy người ta hiểu em cực kì nỗ lực để tạo được một dấu ấn của mình khi thực chiến (có lẽ số 7 là một trong số những cầu thủ chơi tốt nhất trên sân tập của U19 Việt Nam), nhưng Duy cần có ý thức trách nhiệm phòng ngự hơn. Ở tuyến giữa, Xuân Trường và Tuấn Anh là hai chuyên gia làm bóng, và dù các em có xử lý cá nhân hay thế nào, người ta vẫn cần thấy chất thép trong cách đá của hai nhạc trưởng này, để quản lý tuyến giữa thêm phần hoàn hảo.
 
Vĩ thanh
 
Những gì mà các em U19 để lại là tích cực, nhưng có lẽ chúng ta vẫn cần nhiều hơn thế. Rồi đây trên đường đời, tất cả những thứ hoa mỹ, giỏi giang, xuất sắc đều sẽ được quy đổi ra các con số, kết quả; và những kết quả ấy mới thực sự là thứ đong đếm rằng một cá nhân hay một tập thể đang ở đâu trong cuộc đua mà họ tham dự. Một học sinh có được vào Đại học hay không phụ thuộc vào điểm của em, chứ không phải là nỗ lực mà em đã bỏ ra. U19 Việt Nam có thực sự xuất sắc hay không phụ thuộc vào những danh hiệu, những tấm huy chương mà các em đạt được, chứ không phải là những lần “ngẩng cao đầu”, những lần “cọ xát”.
 
Cách nói “ngẩng cao đầu” thực sự hơi có tính huyễn hoặc. Khi những điểm yếu vẫn còn ở đó, thì người ta nên trăn trở, nên suy nghĩ và sửa chữa, hơn là việc ngẩng cao đầu trở về và lầ sau lại… ngẩng cao đầu tiếp. Thái Lan họ đâu cần ngẩng cao đầu, họ cần cúp và họ đã có được điều đó trong suốt bao nhiêu năm nay; chẳng thế mà chúng ta luôn mặc định người Thái là cái đích để hướng tới. Lần sau khi tham dự giải, thiết nghĩ nếu không đạt mục tiêu đã đề ra từ trước thì nên coi đó là một thất bại. Các em U19 đều đang lớn, không nên đặt quá nhiều áp lực vào các em, nhưng thế giới bóng đá khắc nghiệt đòi hỏi các em phải làm quen với thất bại. Có thể có những cái vỗ vai an ủi các em sau trận đấu, nhưng cũng cần có những lời răn dạy đanh thép để các em tiến bộ.
 
“Yêu cho roi cho vọt”. Các em là thế hệ mới của bóng đá nước nhà, là hi vọng cho tương lai đạt tầm châu lục. Thế nên, đôi khi chịu một chút áp lực, một chút đòn roi, một chút trách móc, những cầu thủ khẳng khiu của chúng ta mới có thể đạt được tới tầm xuất sắc.
 
Thành Nguyễn  

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X