Olivier Giroud tới Milan không phải để dạo chơi

Tác giả Đức Thịnh - Thứ Năm 19/08/2021 18:46(GMT+7)

Zalo

Để tồn tại trong cuộc sống này, bạn phải là người được việc. Và Olivier Giroud là một người được việc, dù ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ đội bóng nào.

Không choáng ngợp như cái cách Romelu Lukaku quay trở lại Chelsea bằng bản hợp đồng kỷ lục lên đến 115 triệu euro, ở chiều ngược lại Olivier Giroud đã lặng lẽ nói lời chia tay Stamford Bridge sau 3 mùa giải gắn bó để cập bến AC Milan với mức giá chỉ vỏn vẹn 2 triệu euro. Nhưng đắt giá không có nghĩa là Lukaku sẽ thành công tại Chelsea và rẻ cũng chưa chắc là Giroud sẽ thất bại tại Milan. Bởi lẽ thị trường chuyển nhượng luôn mang đến những điều bất ngờ nhất.
 
Từ những sân cỏ ít người biết đến ở Ligue 2, vô địch Ligue 1 cùng Montpellier, cho đến 6 năm thanh xuân rực rỡ tại Arsenal với 3 lần đăng quang FA Cup, trước khi trở thành nhà vô địch World Cup cùng đội tuyển Pháp, vô địch Champions League với Chelsea,.. dù trong hoàn cảnh nào, là chân sút chủ lực hay chỉ là nhân tố dự bị, Giroud vẫn biết cách để người ta phải nhớ đến tên của mình. 
 
Thế nhưng không phải bất cứ ai cũng có suy nghĩ như vậy. Nếu có một cuộc bình chọn dành cho tiền đạo bị “underrated” nhất thì Giroud xứng đáng bước lên bục nhận giải. Có người từng nói: “Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời nó sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc”.

Bản thân Giroud cũng nhận thức rõ điều này khi phát biểu trước truyền thông rằng: “Không có ai được tất cả mọi người khen ngợi cả. Bạn biết đấy đó là một phần của bóng đá, một phần của cuộc chơi. Có thể đôi khi tôi bị đánh giá thấp nhưng điều quan trọng là những thông số. Đối với một tiền đạo, điều này rất quan trọng. Miễn là tôi làm việc hiệu quả cho CLB của mình, cho màu áo đội tuyển quốc gia và luôn khiến gia đình tôi tự hào. Phần còn lại tôi sẽ thừa nhận.”

Olivier Giroud
Olivier Giroud tới AC Milan với những tham vọng và mục tiêu rõ ràng. Ảnh: Getty Images
 
Đúng vậy, rất nhiều người từng chê cười cầu thủ người Pháp là tiền đạo chân gỗ, là kẻ ăn may trong chiến tích đăng quang của Les Bleus trên đất Nga năm 2018, nhưng khi nhìn vào thành tích 550 trận thi đấu chuyên nghiệp, ghi tổng cộng 221 bàn thắng và 81 đường kiến tạo, khó có thể chối bỏ sự nghiệp thi đấu thành công của anh cho đến lúc này. 
 
Giờ đây, ở tuổi 34, đã bước dần sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp, anh gia nhập AC Milan – gã khổng lồ một thời của bóng đá Italy, nhưng cũng đang chật vật trên cuộc hành trình đi tìm lại ánh hào quang đã mất trong quá khứ. Tại đây, Giroud sẽ khoác lên mình chiếc áo số 9 huyền thoại của Filippo Inzaghi và  phải cạnh tranh vị trí với một huyền thoại sống đương đại khác - Zlatan Ibrahimovic. Câu hỏi được các Milanista đặt ra lúc này chính là Giroud sẽ đem đến cho đoàn quân của Stefano Pioli sự cải thiện gì? Và liệu rằng sự cạnh tranh vị trí giữa hai trung phong điển hình sẽ mang đến thành công cho Milan?
 
Về cơ bản, việc Milan trở lại Champions League khiến sự xuất hiện của Giroud càng trở nên cần thiết, vừa mang lại chiều sâu đội hình lẫn yếu tố kinh nghiệm trên hàng công. Mùa trước, dù chỉ ra sân vỏn vẹn 256 phút tại đấu trường này, nhưng Giroud lại “bỏ túi” tới 6 bàn (đạt hiệu suất 43 phút/bàn), góp công lớn trong chiến dịch đăng quang Champions League lần thứ hai trong lịch sử Chelsea. 
 
Ở Milan vào lúc này, ngoại trừ lão tướng Ibrahimovic, trong tay Stefano Pioli không có một trung phong thực thụ nào khác. Rafael Leao có tố chất phát triển nhưng cầu thủ người Bồ Đào Nha còn quá trẻ và cần thêm thời gian để cải thiện nhiều điều. Còn với Ante Rebic, cầu thủ người Croatia đơn giản là không phù hợp để đá cắm, ít nhất là trong sơ đồ 4-2-3-1.
 
Lại nói về cuộc cạnh tranh giữa Ibrahimovic và Giroud, chúng ta dễ dàng nhận ra khá nhiều điểm tương đồng trong lối chơi của hai trung phong này. Họ đều sở hữu chiều cao lý tưởng, nền tảng thể chất vượt trội và luôn là đích đến của những đường chuyền dài vượt tuyến từ các đồng đội.
 
Thế nhưng giữa cả hai cũng tồn tại nhiều điểm khác biệt. Trong khi chân sút người Thụy Điển thường linh hoạt hơn trong việc di chuyển bên ngoài khu vực vòng cấm, từ nhận bóng, hỗ trợ quá trình lên bóng bằng kỹ năng chơi chân thượng thừa, thì phạm vi hoạt động của Giroud lại bó buộc nhiều hơn ở bên trong khu vực vòng cấm, dù cả hai đều đóng góp khá nhiều trong việc tạo liên kết khi tấn công. Mặc dù độ chính xác về tổng thể của họ là tương đương nhau, sự hỗ trợ của Ibrahimovic đối với đồng đội thông qua những đường chuyền đến khu vực 1/3 sân của đối phương là ấn tượng hơn hẳn Giroud.
 
Olivier Giroud
Thống kê về chuyền bóng của Giroud và Ibrahimovic ở mùa giải 2020/2021. Ảnh: Total Football Analysis
 
Nhìn vào dữ liệu tấn công của họ, không có gì ngạc nhiên khi Ibrahimovic làm việc hiệu quả hơn trước khung thành với 4,42 cú dứt điểm mỗi 90 phút, hơn hẳn so với 2,81 của Giroud. Tuy vậy là cầu thủ 34 tuổi mới là tiền đạo đặt hiệu quả hơn với trung bình 0,74 bàn thắng, khá gần với chỉ số bàn thắng kỳ vọng của anh ấy là 0,85. Trong khi đó, chỉ số bàn thắng kỳ vọng của Ibrahimovic dù cao hơn (xG 1,07), nhưng anh ấy chỉ có trung bình 0,68 bàn mỗi 90 phút.
 
Olivier Giroud
Thống kê về dứt điểm của Giroud và Ibrahimovic ở mùa giải 2020/2021. Ảnh: Total Football Analysis
 
Bằng cách so sánh dữ liệu phòng ngự của họ, chúng ta có thể thấy rằng Giroud đã có đóng góp phòng ngự tốt hơn so với người đồng đội mới của anh ấy. Cựu tiền đạo của Chelsea tham gia vào các cuộc tranh chấp phòng ngự nhiều hơn và cũng tích cực hơn trong tranh chấp bóng. Mặt khác, thống kê về khả năng không chiến của cả hai lại khá tương đồng: 7,88 và 7,77. Điều này rất quan trọng trong cả tấn công lẫn phòng ngự. Với chiều cao 1,92m (Giroud) và 1,95m (Ibrahimovic), khả năng không chiến là một trong những phẩm chất tốt nhất của họ.
 
Olivier Giroud
Thống kê về khả năng phòng ngự của Giroud và Ibrahimovic ở mùa giải 2020/2021. Ảnh: Total Football Analysis
 
Mùa giải trước, Milan chơi khá thành công tại Serie A với sơ đồ 4-2-3-1. Phong độ ghi bàn ấn tượng của Ibrahimovic cùng sự tỏa sáng của Hakan Calhanoglu trong vai trò nhạc trưởng đã giúp đội bóng áo đỏ đen giành được ngôi vị á quân chung cuộc. Giờ đây, tiền vệ gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã cập bến đối thủ cùng thành phố Inter Milan, buộc lòng khiến HLV Stefano Pioli phải có những điều chỉnh về mặt chiến thuật khi trong tay ông không có một nhân tố thích hợp để thay thế. 
 
Trong một số trận đấu giao hữu trước thềm mùa giải, Stefano Pioli đang cố gắng thử nghiệm đội hình 4-4-2, để bù đắp cho sự thiếu hụt một “số 10” sáng tạo như Hakan Calhanoglu. Nếu thành công, thử nghiệm ấy có thể mở ra cánh cửa để cả Ibrahimovic và Giroud có cơ hội thi đấu cùng nhau, thay vì cạnh tranh nhau cho một vị trí trong đội hình xuất phát.
 
Về cơ bản, sơ đồ 4-4-2 mang đến nhiều lựa chọn tiếp cận khung thành đối phương hơn, đặc biệt là trong các bài tấn công theo kiểu tạt cánh thuần Anh trong quá khứ. Cụ thể, Milan sẽ chơi  với một tiền đạo hoạt động rộng làm nhiệm vụ kết nối và một tiền đạo có khả năng tận dụng tốt cơ hội khi hàng thủ đối phương xuất hiện các khoảng trống. Khi đó Ibrahimovic thích hợp trong vai trò chơi rộng như một tiền đạo lùi, còn Giroud sẽ đá cao hơn, gần khu vực vòng cấm hơn, để tận dụng khả năng chạy chỗ không bóng tốt của mình.
 
Mới nhất, trong các trận đấu giao hữu trước thềm mùa giải, Giroud đã phần nào chứng tỏ sự hòa nhập tốt của mình bằng việc ghi 3 bàn thắng, trong đó 1 bàn được ghi trong trận hòa 1-1 với Nice, 2 bàn còn lại ghi vào lưới Panathinaikos. Điểm chung của cả 3 pha lập công kể trên đều đến từ những tình huống bóng dài hướng đến khu vực cấm địa đối phương, nơi Giroud tận dụng tốt lợi thế thể hình và khả năng chọn vị trí để ghi bàn.  Đó chắc chắn là miếng đánh sẽ được Stefano Pioli tận dụng nhiều ở mùa giải mới.
 
Olivier Giroud
Giroud cực kỳ lợi hại trong những tình huống treo bóng dài vào vòng cấm địa
 
Hiện tại, với việc chân sút chủ lực Ibrahimovic vẫn còn đang trong giai đoạn điều trị chấn thương và dự kiến chỉ có thể trở lại vào cuối tháng 9 tới, Giroud chắc chắn sẽ là sự lựa chọn số một trong vai trò trung phong ở giai đoạn đầu mùa. Đó là cơ hội và cũng là thách thức lớn dành cho anh. Nhưng với phong độ ghi bàn ấn tượng trong những trận giao hữu, tin rằng Giroud sẽ là nhân tố đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch của Milan ở mùa giải mới. 
 
Sau Ligue 1, Premier League, giờ đây Serie A sẽ là giải đấu để Giroud viết tiếp lên cuốn nhật ký của sự nghiệp mình. 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Jose Angel Sanchez: Bộ não thiên tài phía sau thành công của Real Madrid

Rạng sáng Chủ Nhật, Real Madrid chơi trận chung kết Champions League thứ 6 trong 11 mùa bóng gần đây nhất. Và như thường lệ - như rất nhiều lần trước đó ở kỷ nguyên Champions League, CLB Hoàng gia Tây Ban Nha lại giành chiến thắng, để nâng cao Cúp Tai Voi lần thứ 15 trong lịch sử.

Paulo Dybala: "Trước khi trận đấu bắt đầu, tôi trao cho trái bóng một nụ hôn"

“Trước khi trận đấu bắt đầu, tôi sẽ trao cho cô ấy (quả bóng) một nụ hôn. Tôi muốn cô ấy sẽ ở bên tôi khi tôi thi đấu. Tôi không nói chuyện với cô ấy. Tôi không muốn làm cô ấy cảm thấy chán nản. Tôi trao cho cô ấy ‘un bacio’ (một nụ hôn theo tiếng Ý) để nàng luôn muốn ở gần tôi nhất có thể.” - Paulo Dybala chia sẻ với The Athletic

X
top-arrow