Thứ Sáu, 17/05/2024Mới nhất
Zalo

Mourinho: Cơn gió lạ trong làng túc cầu

Thứ Ba 11/12/2012 14:11(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Tôi biết đến Jose Mourinho lần đầu tiên vào mùa hè năm 2004. Đấy là thời điểm đội Arsenal mà tôi yêu thích vẫn đang còn say sưa về một mùa giải bất bại suốt 38 vòng đấu với cú đúp danh hiệu Ngoại hạng và FA Cup. Thế nhưng ai ngờ đâu chính vị huấn luyện viên vừa chân ướt chân ráo đến xứ sở sương mù này lại làm bảng đồ bóng đá Anh nói riêng và tất cả những nơi ông đến sau này thay đổi một cách đánh kinh ngạc.

Mourinho đến với bóng đá Anh với phong thái đầy ngạo nghễ khi vừa mới giành chiếc cúp C1 danh giá cùng với Porto. Ông càng nổi tiếng hơn nữa sau phát biểu trong buổi ra mắt lúc mới đến Chelsea: “Xin đừng gọi tôi là một kẻ kiêu ngạo, vì những gì tôi nói đều đúng - tôi là nhà vô địch châu Âu và tôi nghĩ mình là một người đặc biệt”. Dù câu nói có hơi quá một tí nhưng rõ ràng Abramovich không lầm khi đưa “Người đặc biệt” về với sân Stamford Bridge.

Ô hay, Mourinho đâu có làm gì sai
 

Xét về tài năng, ông xứng danh với cái tên “Người đặc biệt” khi chỉ mới mùa giải đầu dẫn dắt Chelsea đã đạt ngay chiếc cúp vô địch Ngoại hạng Anh với số điểm kỉ lục 95 và chỉ chút nữa thôi phá luôn kỉ lục bất bại của Arsenal mùa giải trước với chỉ một trận thua duy nhất trước Manchester City. Mourinho là một huấn luyện viên tài năng, cả thế giới đều công nhận điều đó. Tuy nhiên thành công trên sân cỏ chưa nói lên đầy đủ cái gọi là “đặc biệt” của ông. Có lẽ ông là người huấn luyện viên đầu tiên trên thế giới dám nói thật, nói thẳng và bị “cấm chỉ đạo” nhiều đến thế. Nói một cách không ngoa rằng chính những phát ngôn của Mourinho đã đưa ông đến gần hơn với thế giới.

Ấy vậy đi sâu vào những chiêu võ mồm của Mourinho ta mới thấy rằng không ngẫu nhiên đi đến đâu ông đều để lại thành công ở nơi ấy. Ta cứ thắc mắc tại sao ông lại nói nhiều đến thế? Bước vào buổi họp báo trước trận đấu ông khinh miệt người đồng nhiệm bên kia chiến tuyến. Vào trận đấu ông sẵn sàng làm đủ mọi chiêu trò để chọc tức ban huấn luyện đội bạn. Sau trận đấu ông sẵn sàng tả xung hữu đột với báo giới, nhất là các trọng tài nếu chả may các vị này bắt kém. Tất cả đều có cái lí của nó. Người ta bảo Mourinho ngạo mạn, chẳng xem ai ra gì là đúng. Nhưng biết làm sao khi chỉ có cách đó ông mới đưa đội bóng của mình vào quỹ đạo chiến thắng. Người ta chỉ chăm chăm vào lời nói của ông mà không nhìn nhận rằng chính những phát biểu đó làm cay cú người đồng nghiệp phía đối diện. Một khi con người ta mất tự chủ con người ta sẽ mắc sai lầm. Đối với Mourinho trận đấu bắt đầu ngay khi bước vào phòng họp báo. Đấy là một trong rất nhiều cách lí giải tại sao “Người đặc biệt” nói nhiều đến vậy. Mourinhho có lẽ chẳng là gì nếu không “hù” huấn luyện viên đối phương một tiếng trước khi vào trận đấu.

Có người lại bảo: “Mourinho giỏi thật nhưng có tài mà chẳng có đức”. Thoạt nhìn ai cũng thấy đồng tình. Người nào mà được cho là có đức khi “tranh thủ chọc mũi” trợ lí của Pep Guardiola trong lúc hai đội đang có màn hỗn chiến trên đường pitch? Tuy nhiên bản chất sự việc không nằm ở chỗ ông “chọc mũi” ai mà ở chỗ ông làm thế vì mục đích gì. Rõ ràng Mourinho không hành động như thế với mục đích trả đũa. Ông chỉ đơn giản là đang bảo vệ các học trò của mình một cách “ngây thơ” nhất, khi họ bị xử ép. Nói cách khác là tính khí bộc trực, thẳng thắn đã cho ra hành động được xem là phi thể thao ấy.

Mặt khác cần nhìn nhận rằng bóng đá là một trò chơi tập thể, không huấn luyện viên nào có thể vào sân đá thay cầu thủ. Cầu thủ không phục người thuyền trưởng thì chẳng bao giờ đội bóng có thể tiến xa. Chính bởi vậy nếu huấn luyện viên không có tài thu phục nhân tâm sẽ không bao giờ vươn tới thành công. Nói về vấn đề “đắc nhân tâm” ta phải xem Mourinho là bậc thầy. Ở Chelsea ông giành được sự kính trọng của những công thần như Terry, Lampard, Drogba… Đến Real ông có tiếng nói trước những người được cho là “thế lực đen” ở sân Bernabeu như Casillas, Ramos. Đặc biệt tôi vẫn còn nhớ như in cái cảnh Materrazzi và Mourinho ôm chầm lấy nhau khóc nức nở như trẻ con trong ngày ông chia tay Inter Milan. Nếu người thuyền trưởng ấy không có đức liệu có thể dành được sự kính trọng và mến mộ của cầu thủ nhiều đến vậy?

Cuộc sống là một khối đa diện, đừng để những cái nhìn phiến diện đánh lừa thị giác của bạn. Bóng đá cũng vậy, có tấn công và cũng có phòng ngự. Nhiều người thích Tiki-taka nhưng chớ quên rằng bên cạnh đó còn Catenaccio. Cả hai đều là thứ bóng đá nghệ thuật. Không nên vì sở thích chủ quan mà hạ thấp một trong hai cái. Mourinho có thể làm nhiều người căm ghét nhưng suy cho cùng ông cũng là một con người bình thường chỉ có điều ông dùng cách đặc biệt của mình để tồn tại, chiến đấu và chiến thắng.

(Theo Bongda)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X